Đỗ Khang còn được gọi là Thiếu Khang, sống vào cuối thời Tây Chu. Tương truyền ông là người phát minh ra cách nấu rượu ở Trung Quốc. Ông được những người nấu rượu, bán rượu thờ là ông tổ của nghề rượu, được nhân dân Trung Quốc tôn xưng là Tửu thần, Tửu thánh. Ông là một trong mười vị thánh trong lịch sử Trung hoa. Trong các sách cổ như Thuyết văn giải tự của Hứa Thận đời Hán, Bát vật chí của Trương Hoa đời Tấn, Sự vật ký nguyên của Cao Thành đời Tống… đều ghi chép Đỗ Khang là người phát minh ra cách nấu rượu, song không có sách nào ghi rõ lai lịch của ông.
Truyền thuyết về thân thế của Đỗ Khang
Về thân thế của Đỗ Khang có những truyền thuyết khác nhau. Tương truyền, Đỗ Khang là cháu nội của quan Thượng đại phu Đỗ Bá thời Chu Tuyên Vương. Một lần Chu Tuyên Vương đi thị sát ở Thái Nguyên, khi quay về ông đã tin vào những lời tán huyền hoặc cho rằng một cung nhân đã 50 tuổi lại sinh được một cô con gái và cho rằng chính đứa bé này là con yêu nữ sau này sẽ làm loạn nhà Chu. Thế là Tuyên Vương ra lệnh cho Đỗ Bá đi giết chết đứa bé. Đỗ Bá không nhẫn tâm giết chết đứa bé vô tội, bèn lén đưa đứa bé ra khỏi cung, trở về báo là đã làm song việc.
Về sau, sự việc bị lộ, nhà vua nổi giận sai Chiêu Hổ đến giết chết cả nhà Đỗ Bá. Chiêu Hổ vốn rất thân với Đỗ Bá, nhưng cũng không dám chống lệnh, vì vậy cố tình thả con trai thứ của Đỗ Bá là Đỗ Thấp Thúc và cháu nội của Đỗ Bá là Đỗ Khang.
Lúc đó Đỗ Khang mới 7 tuổi, cùng chú mình chạy về hướng đông. Hai chú cháu đến núi Phượng Hoàng, huyện Nhữ Dương, tỉnh Hà Nam ngày nay, sống trong một hang núi. Rồi sau đó câu chuyện cũ nhạt nhòa dần, hai chú cháu xuống núi tìm công việc kiếm sống. Chú thì đi làm công, cháu thì chăn dê trên núi Phượng Hoàng. Đỗ Khang thường nghỉ dưới một cây dâu cổ thụ, ông nhớ đến cha mẹ và người thân bị sát hại, nhớ đến cảnh sống yên vui của gia đình trước đây, nên thường buồn tủi không buồn ăn uống. Thấy Đỗ Khang ngày càng gầy yếu, Đỗ Thấp Thúc cho rằng cháu mình có bệnh, nghe nói phấn khúc có thể chữa được bệnh, bèn đi kiếm phấn khúc mang về cho Đỗ Khang ăn. Vốn Đỗ Khang lười ăn mà loại phấn dùng tiểu mạch để lên men chế thành này lại càng không hợp khẩu vị của ông. Ông mang lên núi vứt vào gốc cây dâu.
Về sau Đỗ Khang bị ốm thật, ốm liền 3 tháng. Nghĩ mình sắp chết, ông bèn một mình đi lên núi, nằm dưới cây dâu yêu thích của mình, nhắm mắt chờ chết. Đột nhiên ông ngửi thấy mùi thơm rất lạ bốc lên từ hốc cây dâu. Lại gần Ông thấy có một thứ nước thơm phức chảy ra từ hốc cây. Ông nếm thử thấy thứ nước ấy không những thơm mà còn rất ngon, thế là ông uống rất nhiều thứ nước đó, và rồi thấy hoa mắt, chóng mặt, bèn nằm ngủ ngay dưới gốc cây. Sau đó ông tỉnh dậy, thấy rất dễ chịu bệnh tật tan biến hết. Cúi đầu xuống xem, ông thấy trên mặt đất hiện lên 2 hàng chữ:
“Hoạn hải vô vọng hề, mạc cường cứu.
Tạo phúc dân gian hề, lạc thiên gia.”
Tạm dịch là: “Gặp phải khó khăn hoạn nạn không có ai cứu được, làm việc phúc cho người, tạo niềm vui cho mọi nhà”. Đỗ Khang hiểu ra rằng, loại lương khô làm bằng cao lương trộn với phấn Khúc (mốc của tiểu mạch) sẽ ủ thành một loại chất lỏng, đó chính là thứ trời ban cho ông để đem niềm vui đến cho mọi nhà. Ông đặt tên cho thứ nước trời ban cho đó là “Tửu” (rượu). Khi trở về thôn, ông chế ra thứ nước thơm nức mũi đó, đem cho mọi người nếm thử. Tiếng lành đồn xa, người ta nô nức kéo nhau đến nếm thứ nước do Đỗ Khang làm. Trải qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, phương pháp nấu rượu của Đỗ Khang càng hoàn thiện, tiếng tăm truyền khắp cả nước.
Đỗ Khang – một vị đại thần của Hoàng Đế
Sau khi Hoàng Đế kiến lập liên minh bộ lạc, trải qua việc Thần Nông nếm trăm loại cỏ, phân biệt ngũ cốc, bắt đầu cày ruộng trồng lương thực. Hoàng Đế sai Đỗ Khang quản lí việc sản xuất lương thực, Đỗ Khang rất có trách nhiệm. Do bởi đất đai phì nhiêu, mưa thuận gió hoà, mấy năm liền được mùa, lương thực ngày càng nhiều. Lúc bấy giờ do chưa có kho chứa, lại không có phương pháp bảo quản khoa học, Đỗ Khang đã đem lương thực thu hoạch được chất vào sơn động. Qua một thời gian dài, bởi sơn động ẩm thấp, lương thực đã sinh mốc. Hoàng Đế biết chuyện vô cùng tức giận, hạ lệnh bãi chức Đỗ Khang, chỉ để ông lo việc bảo quản lương thực, đồng thời bảo rằng, sau này nếu lương thực còn sinh mốc nữa sẽ xử tử Đỗ Khang.
Đỗ Khang từ một vị đại thần phụ trách sản xuất lương thực, trong phút chốc bị giáng xuống phụ trách bảo quản lương thực, trong lòng vô cùng buồn. Nhưng Đỗ Khang lại nghĩ đến Luy Tổ, Phong Hậu, Thương Hiệt đều có phát minh sáng tạo, lập đại công, duy chỉ riêng bản thân mình không có công lao gì, lại còn phạm tội. Nghĩ đến đó, cơn giận của ông tiêu tan, ông âm thầm hạ quyết tâm: không thể không làm tốt việc bảo quản lương thực. Một ngày nọ, Đỗ Khang vào rừng sâu phát hiện một hố đất rộng, chung quanh có mấy cây đã chết khô, chỉ trơ lại thân cây to lớn, thân cây đã rỗng. Đỗ Khang lanh trí, nghĩ rằng, nếu đem lương thực bỏ vào bộng cây, có lẽ sẽ không sinh mốc. Vì thế, phàm những cây chết khô ông đều khoét rỗng. Mấy ngày sau, đem lương thực bỏ vào trong đó.
Nào ngờ, sau hai năm, lương thực trong những bộng cây, trải qua nắng gió, mưa dầm, từ từ đã lên men. Một ngày nọ, khi Đỗ Khang lên núi kiểm tra lương thực, đột nhiên phát hiện chung quanh một cây khô có chứa lương thực có mấy con dê, heo rừng và thỏ đang nằm. Lúc đầu ông tưởng rằng những con thú này đã chết, bước đến xem, phát hiện chúng hãy còn sống, dường như là đang ngủ. Trong nhất thời Đỗ Khang không rõ nguyên nhân, còn đang suy nghĩ, một con heo rừng tỉnh lại, trông thấy người nó vội chạy vô rừng sâu. Tiếp đó, dê, thỏ cũng tỉnh dậy chạy mất. Khi lên núi Đỗ Khang không mang cung tên, nên không đuổi theo. Đang chuẩn bị trở về, Đỗ Khang lại phát hiện hai con dê đang cúi đầu liếm thứ gì đó trong bộng cây chứa lương thực. Đỗ Khang vội núp sau một gốc cây to để quan sát, chỉ thấy hai con dê liếm một lát liền lắc lư, đi không được phải nằm trên mặt đất. Đỗ Khanh nhanh chóng chạy đến cột hai con dê lại, sau đó mới tỉ mỉ xem dê vừa liếm thứ gì.
Đã không xem thì thôi, vừa mới xem Đỗ Khang đã giật mình. Hóa ra bộng cây chứa lương thực đã bị tét ra mấy đường, nước bên trong không ngừng rỉ ra bên ngoài. Dê, heo rừng và thỏ đều liếm thứ nước này mới bị té ngã. Đỗ Khang ngửi qua, chất nước rỉ ra đặc biệt thơm, không ngăn được ông cũng nếm. Mùi vị tuy hơi cay nhưng ngọt đậm, càng nếm càng muốn nêm thêm, cuối cùng uống liền mấy ngụm. Lúc uống chẳng sao, phút chốc ông cảm thấy trời đất quay cuồng, vừa mới bước mấy bước, thân không làm chủ đã ngã ra đất ngủ say. Không biết qua một thời gian bao lâu, khi tỉnh dậy, hai con dê bị trói một con đã chạy mất, con còn lại đang giãy giụa. Đỗ Khang đứng dậy cảm thấy tinh thần phấn chấn, toàn thân đầy sức mạnh, trong lúc không cẩn thận đã giẫm chết con dê, thuận tay ông lấy chiếc bình đeo bên người hứng được nửa bình chất nước có mùi vị thơm nồng rỉ ra từ bộng cây.
Sau khi về, Đỗ Khang kể những gì đã thấy cho những người bảo quản lương thực, lại đem chất nước thơm cho mọi người nếm thử, mọi người đều cảm thấy rất kì lạ. Có người kiến nghị đem chuyện này báo cáo với Hoàng Đế, có người lại không đồng ý, lí do là Đỗ Khang trước đây đã để lương thực sinh mốc, bị giáng chức, nay lại đem lương thực bỏ vào bộng cây khiến lương thực biến thành nước. Nếu Hoàng Đế biết được, nếu không lấy đầu Đỗ Khang thì cũng đánh chết ông ta. Đỗ Khang nghe qua chậm rãi nói với mọi người rằng: “Việc đến nước này, bất luận tốt xấu đều không thể giấu Hoàng Đế”. Nói xong, Đỗ Khang cầm bình đi tìm Hoàng Đế.
Hoàng Đế nghe xong báo cáo của Đỗ Khang, lại nếm qua chất nước thơm nồng mà Đỗ Khang mang đến, lập tức cùng các đại thần thương nghị. Các đại thần nhất trí cho rằng đó là một loại nguyên khí trong lương thực, hoàn toàn không phải là nước độc. Hoàng Đế không trách Đỗ Khang, sai Đỗ Khang tiếp tục quan sát, nghiên cứu tỉ mỉ việc đó. Hoàng Đế lại sai Thương Hiệt đặt cho chất nước thơm nồng này một cái tên. Thương Hiệt nói rằng: “Nước này mùi vị thơm ngọt, uống vào tinh thần phấn chấn”. Nói xong liền tạo ra chữ 酒 (tửu). Hoàng Đế và các đại thần cho rằng tên gọi này rất hay.
Lưu Linh say rượu Đỗ Khang
Bên hữu ngạn sông Đỗ Khang có một đầm nước, nước trong xanh như ngọc, nổi tiếng với cái tên ao Lưu Linh. Lưu Linh là một trong Trúc lâm thất hiền, sáng ngang hàng với Nguyễn Tịch, Kê Khang-là những danh sĩ thời Tây Tấn. Ông nổi tiếng là ham uống rượu, từng làm bài thơ nổi tiếng Tửu đức tụng, ca ngợi những phẩm đức cao đẹp của rượu.
Tương truyền, Đỗ Khang do nổi tiếng với nghề nấu rượu, được Ngọc Hoàng triệu lên thiên cung nấu rượu ngự, thành tửu tiên. Một hôm, Vương Mẫu xuống trần hạ chiếu, nói rằng Lưu Linh vốn là đồng tử hầu rượu trong Diêu Trì của Vương Mẫu, say mê Đỗ Khang hạ trần để điểm hóa ông ta. Đỗ Khang mở quán rượu ở Long Môn sơn gần Lạc Dương, vừa bán rượu, vừa đợi Lưu Linh tới.
Hôm đó, Lưu Linh cưỡi xe đi chơi, đi qua quán của Đỗ Khang, ngửi thấy mùi thơm từ trong quán bốc lên, không thể đừng được, bèn xuống xe, vào quán rượu. Lưu Linh tự cho mình có tửu lượng cao, không ngờ mới uống được ba cốc lớn đã say nghiêng say ngả, say liền một mạch ba năm mới tỉnh. Khi Lưu Linh say, ngã ra, đụng vào một vò rượu ngon, rượu chảy ra và chảy xuống ao nước trong xanh, thế là nước trong ao cũng thơm mùi rượu, đó chính là Ao Lưu Linh. Cho đến tận ngày nay, người Trung Quốc vẫn còn người say rượu Lưu Linh!
Rượu thôn Đỗ Khang
Kỹ thuật nấu rượu của Đỗ Khang truyền đến nhiều đời sau. Thôn Đỗ Khang ở Nhữ Dương hầu hết các nhà đều làm nghề nấu rượu.
Năm 1915, để chào mừng sự kiện thông kênh đào Panama, thành phố San Fransico nước Mỹ mở hội chợ. Lúc đó, phường rượu nổi tiếng ở thôn Đỗ Khang cũng mang rượu đến dự và được huy chương vàng từ đó rượu Đỗ Khang nổi tiếng khắp thế giới.
Năm 1972, để khôi phục lại mối quan hệ ngoại giao Trung-Nhật, thủ tướng Nhật Bản đến thăm Trung Quốc, thủ tướng Trung Quốc (Chu Ân Lai) mở yến tiệc thiết đãi, trong tiệc ông đã khen ngợi rằng: Thiên hạ đệ nhất mĩ tửu duy chỉ có Đỗ Khang.
Mấy năm sau nhân dịp mừng thọ thủ tướng Nhật Bản 60 tuổi, xí nghiệp rượu Đỗ Khang đã gửi rượu sang mừng thọ. Từ đó trở đi, ở Nhật Bản người ta thịnh hành rượu Đỗ Khang. Đài truyền hình Nhật Bản còn làm cả một cuốn phim giới thiệu về rượu Đỗ Khang.
Nhà họa sĩ Trung Quốc nổi tiếng Lý Khổ Thiền từng nói: Nghề mộc thì có Lỗ Ban, nghề sát thì có Lão Quân, nghề rượu thì có Đỗ Khang, đó là những nghệ nhân truyền thống của Trung Quốc.
Từ khi Đỗ Khang phát minh ra nghề nấu rượu đến nay, Trung Quốc đã có biết bao nhiêu loại rượu ngon ra đời, song mỗi khi có liên hoan yến tiệc, người ta không bao giờ quên công đức của vị Tửu thánh – Đỗ Khang. Đúng là ông đã có công mang niềm vui đến cho thiên hạ, tạo phúc cho muôn nhà.